Phải chăng số phận của mô hình công ty mua bán nợ quốc gia đã chính thức được kết thúc từ khi nó còn chưa ra đời?
Bài liên quan : << Ngân hàng Habubank xóa nợ thành công >>
Có những cái kết đã được hiện thực hóa ngay từ khi chủ thể của nó chưa thành hình thành khối. “Công ty mua bán nợ quốc gia” là một minh họa cho logic phản chiều này. Không phải tất cả, nhưng những gì xa rời với quyền lợi nhân dân đều có thể nhận một kết thúc tương tự.
Vào ngày 4/7/2012, trong một hội nghị toàn ngành với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã yêu cầu ngành ngân hàng làm rõ thực chất nợ xấu và xem xét xử lý ngay nợ xấu bằng nguồn dự phòng rủi ro, mà không chờ thành lập công ty mua bán nợ.
Một ngày trước đó, trong buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ, vấn đề công ty mua bán nợ quốc gia đã lần đầu tiên được một quan chức có trách nhiệm - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam - xác nhận thế chân đứng thiếu cơ sở của nó. Ông Đam tỏ ra hoài nghi về gốc gác của con số 100.000 tỷ đồng, và cho rằng có thể đã có “một sự nhầm lẫn nào đó”.
“Sự nhầm lẫn” trên lại khởi phát từ ý tưởng gây tranh cãi diện rộng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình. Ý tưởng thành lập một công ty mua bán nợ có tầm vóc quốc gia với số vốn điều lệ lên đến 100.000 tỷ đồng đã được ông Bình nêu ra trước kỳ họp Quốc hội vào trung tuần tháng 6/2012.
Ý tưởng này cũng có thể được Ngân hàng Nhà nước xúc tiến hiện thực hóa bằng một đề án trình Chính phủ nhằm giải quyết tỷ lệ nợ xấu lên đến 10% trong khối ngân hàng - một số liệu hoàn toàn bất ngờ mà lần đầu tiên, tính từ phiên họp Quốc hội vào tháng 11/2011, người chịu trách nhiệm điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước mới thừa nhận.
Cũng cần lược lại phản ứng của dư luận
Ngay sau khi xuất hiện đề xuất về công ty mua bán nợ quốc gia của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, rất nhiều ý kiến của giới chuyên gia, người dân, báo chí và cả quan chức đã phản bác khá gay gắt.“Cứu ai và cứu để làm gì?” là chủ đề chính trong nhiều phản bác như thế. Nếu trong lĩnh vực bất động sản, vào tháng 4/2012, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã nói thẳng việc Nhà nước có chủ trương mua lại nhà chung cư là nhằm cứu giới chủ ngân hàng đang bị tồn kho quá nhiều căn hộ cao cấp, thì nhiều vấn đề riêng tư của khối ngân hàng cũng từ đó mà lộ ra.
Cũng bởi, nếu doanh nghiệp bất động sản là một nạn nhân của ngân hàng thì nền kinh tế và doanh nghiệp các ngành nghề khác còn bị xem là “con tin” của những người nắm giữ yết hầu tín dụng quốc gia.
Từ tháng 8/2011, một điều hết sức đáng lo ngại là phần lớn động thái của Ngân hàng Nhà nước đã chỉ phục vụ cho lợi ích của nhóm các ngân hàng thương mại. Người ta có thể nhận ra logic thuần thục này qua nhiều dẫn chứng từ nạn đầu cơ vàng, hoạt động thâu tóm ngân hàng - bằng hai công cụ lãi suất cho vay và thanh khoản.
Thực trạng giá vàng trong nước luôn chênh cao từ 2-3 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới, hay những cái tên như Phương Nam, Sài Gòn Thương Tín đã trở thành những minh họa tiêu biểu nhất, mang tính quyết định cho dư luận từ trạng thái hoài nghi lợi ích nhóm vào năm ngoái sang một kết luận cụ thể về nhóm lợi ích vào năm nay.
Cũng đã hiện diện quá nhiều phản ứng và phản bác của dư luận về hành vi không chỉ là hiện tượng như trên. Song như thường lệ, mọi việc vẫn không dẫn đến một kết thúc có hậu nào.
Trong khi đó, nhóm lợi ích ngân hàng vẫn ung dung với kế hoạch và tiến trình thâu tóm, thao túng tín dụng và đẩy nền kinh tế vào thế bế tắc, doanh nghiệp phá sản và người lao động phải ra đường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét