Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

Khó 'áp trần' lãi suất nợ cũ 15%/năm

Theo yêu cầu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, từ 15/7, tất cả các ngân hàng phải đưa lãi suất nợ cũ về dưới 15%/năm. Đại diện nhiều ngân hàng cho biết không dễ thực hiện điều này.

 
                         <<  Ngân hàng Habubank tự tin xóa nợ  >>


Theo đánh giá của chính Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm mạnh so với đầu năm, nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp chưa được hưởng lãi suất 13 - 14% với các hợp đồng vay mới, và vẫn chịu lãi cũ ở mức rất cao cho các hợp đồng đã ký trước đây.

Lừng khừng

Không phải đến ngày 7/7, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình mới có yêu cầu giảm lãi suất nợ cũ. Trước đó, hồi tháng 4 và 5/2012, NHNN cũng có 3 lần yêu cầu điều chỉnh giảm lãi suất các khoản vay cũ. Nhưng từ đó đến nay, tình hình lãi suất các khoản nợ cũ vẫn chỉ giảm nhỏ giọt hoặc không đáng bao nhiêu so với lãi suất huy động.

Tính đến cuối ngày 7/7, mặt bằng chung lãi suất cho vay mới với khách hàng doanh nghiệp của các NHTM cổ phần nhà nước là 12 - 15%/năm; khách hàng cá nhân 14 - 17%/năm. Với nợ cũ, mặt bằng này phải cộng thêm khoảng 0,5 - 1,5%/năm. Mặt bằng lãi suất cho vay mới tại các NHTM cổ phần tư nhân với các khoản vay mới 13 - 17,5%/năm, cho vay cá nhân trên 17%/năm, các khoản vay cũ còn cao hơn, có nơi 18 - 20%/năm. Thực tế này được một số ngân hàng xác nhận. Đại diện ngân hàng Vietcombank cho biết một số hợp đồng cũ phải chịu lãi suất huy động ở mức cao, nên “lãi suất cho vay phải giảm từ từ”. Trong khi đó, ngân hàng Dongabank cho biết nhiều hợp đồng tín dụng đã “cố định lãi suất” trong khoảng một thời gian dài, nên việc tăng hay giảm lãi suất là do ký kết trước đó của khách hàng và ngân hàng, phải đến thời hạn mới thay đổi.

Trả lời về việc có thể đưa lãi suất tất cả các khoản vay cũ về dưới 15%/năm theo “lệnh” của NHNN hay không, lãnh đạo nhiều ngân hàng không dám xác nhận. Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) nói: “Ngày 9/7, chúng tôi họp mới quyết định có giảm lãi suất tất cả các khoản vay cũ về 15%/năm hay không. Chúng tôi phải rà soát lại tất cả các hợp đồng tín dụng mới biết được mức giảm nào là phù hợp”.

Cùng ý kiến này, ngày 8/7, đại diện OCB cho biết đến ngày 15/7 mới thực hiện việc đưa lãi suất cho vay cũ về 15%/năm, nên ngân hàng chưa có câu trả lời. Phó tổng giám đốc phụ trách tín dụng một ngân hàng cỡ vừa cho rằng: “Chúng tôi là doanh nghiệp, đành rằng phải thực hiện yêu cầu của NHNN, nhưng nếu tất cả các khoản vay về dưới 15%/năm thì chúng tôi còn đâu lợi nhuận!”

NHNN phải có quy định cụ thể

Ông Nguyễn Văn Tuân, Phó tổng giám đốc Vietcombank, cho biết ngân hàng nào hiện nay cũng muốn tăng trưởng tín dụng nên phải hạ lãi suất để cho vay. Nhưng việc bắt buộc các ngân hàng đưa lãi suất các khoản vay cũ về dưới 15%/năm không dễ thực hiện. Nguyên thống đốc NHNN Việt Nam, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia Cao Sỹ Kiêm, cũng đồng tình “ngân hàng sẽ có hàng chục lý do để đưa ra với khách hàng về việc không thể giảm lãi suất các khoản đã vay. Thậm chí, biết đơn vị đang kẹt vốn, ngân hàng cũng có thể yêu cầu muốn hưởng lãi suất thấp thì phải… trả nợ cũ để vay mới…”.

Tuy nhiên, ông Kiêm cũng nhấn mạnh đến việc “nếu quyết tâm thì NHNN vẫn thực hiện được “trần huy động nợ cũ” này. “Nói khó thì cũng khó, nhưng nếu quyết tâm và làm triệt để thì chắc chắn làm được. NHNN phải phân loại nợ, đưa ra hướng dẫn cụ thể, yêu cầu thực hiện nghiêm túc, có chế tài xử phạt, kiểm tra kiểm soát. Đối với tổ chức tín dụng phải yêu cầu công khai, minh bạch với khách hàng các loại lãi suất mới, cũ”, ông Kiêm nói. Ông Kiêm cũng đánh giá việc áp trần lãi suất đối với các khoản vay cũ 15%/năm từ 15/7 là hợp lý. “Chúng ta đã giảm lãi suất huy động về 13%/năm được gần 3 tháng rồi, và như vậy giá vốn của các ngân hàng đã đủ thời gian để giảm và phải giảm”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét